26/3/15

Testosterone và hai tác dụng phụ nguy hiểm phổ biến ở FTM

FTM người Ba Lan Oliwer Mastalerz
Bài viết được thực hiện bởi Trans Guys VN. Vui lòng ghi rõ nguồn http://TransGuysVN.blogspot.com khi sử dụng thông tin từ trang này.

Không phải tự nhiên mà ở các quốc gia phát triển, Testosterone không được bán tự do mà bắt buộc phải có đơn thuốc của bác sỹ. Testosterone khi đưa vào cơ thể nếu không đúng liều lượng phù hợp dễ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lý do ở nước ngoài, việc thực hiện liệu pháp thay thế hormone buộc phải có sự đồng ý và theo dõi thường xuyên từ bác sỹ.

Trong bài viết Liệu pháp thay thế hormone (Nữ sang Nam) đã đề cập đến các tác động của Testosterone đến cơ thể tuy nhiên có lẽ vì quá nhiều thông tin và vì thấy FTM nước ngoài vẫn sử dụng mà “không làm sao” nên nhiều FTM Việt Nam vẫn quyết định sử dụng Testosterone trong khi không nắm được mức độ nguy hiểm của những tác dụng phụ từ thuốc.

Bài viết hôm nay tôi sẽ đề cập đến hai tác dụng phụ nguy hiểm rất phổ biến trong những FTM thực hiện liệu pháp thay thế hormone. Thực tế, những FTM nước ngoài hoàn toàn không “vô sự” như nhiều người lầm tưởng. Trong quá trình thực hiện liệu pháp thay thế hormone, rất nhiều FTM ở nước ngoài, dưới sự theo dõi và chỉ định liều lượng của bác sỹ, vẫn gặp phải hai tác dụng phụTăng sinh nội mạc tử cung (dễ phát triển thành ung thư)Tăng hồng cầu trong máu (gây nguy cơ tắc nghẽn máu dẫn đến tử vong).

Vì sao? Vì nhiệm vụ của bác sỹ là kê liều lượng ban đầu, sau đó thực hiện các bài xét nghiệm định kỳ (trong năm đầu tiên là 3 tháng kiểm tra/lần, các năm sau thường là 6 tháng - 1 năm kiểm tra/lần) để theo dõi được tình hình thay đổi và sức khỏe của bệnh nhân, từ đó sẽ đưa ra những điều chỉnh để tìm ra liều lượng phù hợp nhất cho FTM đó. Liều lượng T của một FTM không cố định mà thay đổi tùy từng gian đoạn, hoàn cảnh:

- Một số FTM được kê liều lượng T cực cao ngay từ đầu, sau đó điều chỉnh hạ dần theo thời gian.

- Một số FTM được kê liều lượng T thấp từ đầu, sau đó mới điều chỉnh cao dần.

Vấn đề ở đây là: FTM được bác sỹ theo dõi và khám định kỳ sẽ được kê liều lượng phù hợp để tránh các tác dụng phụ. Trong trường hợp có bệnh, việc khám định kỳ sẽ giúp những FTM này được bác sỹ điều trị kịp thời. Còn những FTM tự sử dụng T thì không:

- Không được sử dụng đúng liều lượng phù hợp với cơ thể, nguy cơ mắc các bệnh, tác dụng phụ sẽ tăng dần theo thời gian.

- Khi có bệnh, do không được theo dõi định kỳ nên sẽ không biết là mình có bệnh để chữa trị kịp thời.

- Với trường hợp thấy được triệu chứng của bệnh, việc khám chữa lại là một vấn đề vì không biết khám ở đâu? Ở đâu nhận khám bệnh phụ khoa cho một người có bề ngoài đàn ông?

Dưới đây là thông tin về hai tác dụng phụ nguy hiểm phổ biến trong các FTM thực hiện liệu pháp thay thế hormone:


1. Tăng sinh nội mạc tử cung

Nhiều bạn không đọc các bài viết trong blog Trans Guys VN nhưng lại muốn sử dụng T nên PM cho page và hỏi xem liệu sử dụng T thì có nguy hiểm không? Có bị ung thư hay không? Không phẫu thuật thì có bị làm sao không? Vậy thì các bạn sẽ nên quan tâm đến tăng sinh nội mạc tử cung, một tác dụng phụ rất phổ biến với nhiều FTM nước ngoài trong quá trình điều trị hormone dưới sự theo dõi của bác sỹ.

Nhiều FTM trong vòng 1 - 5 năm đầu sử dụng T gặp phải tình trạng rong kinh (= kinh nguyệt trở lại nhưng nhỏ giọt và kéo dài không dứt). Đây là triệu chứng của tăng sinh nội mạc tử cung (= lớp lót tử cung phát triển quá dày), có thể dẫn đến ung thư tử cung. Nguyên nhân thường gặp nhất của tăng sinh nội mạc tử cung là do thừa hormone nữ Estrogen. Ở FTM là do liều lượng Testosterone được đưa vào cơ thể quá cao, dẫn đến bị chuyển hóa thành Estrogen.

Đó là trường hợp nhìn thấy triệu chứng bệnh (rong kinh). Vấn đề là không phải ai bị tăng sinh nội mạc tử cung cũng bị rong kinh, do đó những FTM này có bệnh trong người nhưng không biết để khám chữa kịp thời, dễ dần tới phát triển thành ung thư.

Đây là lý do nhiều FTM phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng để tránh nguy cơ bị tăng sinh nội mạc tử cung.


2. Tăng hồng cầu trong máu / Đa hồng cầu (Polycythemia)

Nếu thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ, FTM sẽ phát hiện khi nào lượng hồng cầu trong máu vượt quá mức an toàn. Tuy nhiên ở Việt Nam, hầu hết FTM tự ý sử dụng T mà không khám sức khỏe định kỳ.

Chứng tăng hồng cầu (Polycythemia) là tình trạng số lượng hồng cầu trong máu tăng cao bất thường, làm máu tăng độ quánh, cô đặc hơn, gây ra nguy cơ tắc nghẽn máu trong hệ tuần hoàn và nhiều nguy cơ khác về mặt sức khỏe. Chứng tăng hồng cầu có 3 loại: thể nguyên phát (polycythemia vera), thể tương đối (relative polycythemia) và thể thứ phát (secondary polycythemia). 

Tăng hồng cầu trong máu do sử dụng T được xếp vào nhóm Tăng hồng cầu thứ phát. Nguyên nhân của tăng hồng cầu thứ phát là do sự gia tăng của hormone tạo hồng cầu - Erythropoietin (EPO). EPO tăng bất thường là do thiếu oxy trong máu (do bệnh tim), tiếp xúc trong thời gian dài với khí carbon monoxide (do khói thuốc lá), bệnh thận, các rối loạn di truyền sản sinh ra lượng Hemoglobin hoặc EPO cao bất thường.

Tăng hồng cầu trong máu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nghẽn mạch máu gây đột quỵ, chảy máu trong và suy tim.

Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm độ đặc quánh của máu, từ đó ngăn chặn chứng nghẽn mạch máu và chảy máu trong.

Trích máu là một trong những phương pháp được sử dụng để điều trị chứng tăng hồng cầu: 1 pint (~ 450ml) máu sẽ được rút ra khỏi cơ thể hàng tuần cho đến khi nồng độ Khối hồng cầu (HCT: Hematocrit) giảm xuống dưới 45%. Tuy nhiên, rút máu sẽ làm tăng nguy cơ thiếu sắt, không kiểm sát được số lượng tiểu cầu và có thể gây ra một vài rối loạn huyết động ở một vài người. (Nguồn: Benh9)

Triệu chứng:

Thời kì đầu: Chỉ đỏ da khi làm việc gắng sức, thể hiện rõ nhất là ở trên mặt và đầu các ngón tay, do đó người mắc rất khó phát hiện ra bệnh.

Thời kì sau: Bệnh biểu hiện rõ rệt hơn như:

– Da đỏ.
– Hay ngứa người sau khi tắm.
– Hay đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn ngủ, nhìn mờ.
– Chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi, đau nhức xương.
– Mất sức, sụt cân, loét hoặc xuất huyết tiêu hóa. (Nguồn: Benh9)


3. Có kinh nguyệt trở lại

Việc có kinh nguyệt trở lại không nằm trong nhóm tác dụng phụ từ việc thực hiện liệu pháp thay thế hormone nhưng cũng là một “cơn ác mộng” rất phổ biến đối với các FTM ở nước ngoài nên tôi nghĩ FTM Việt Nam cũng nên biết.

Nhiều FTM Việt Nam hiện nay tìm đến T để tránh việc có kinh nguyệt hàng tháng. Tuy nhiên nếu sử dụng liều lượng T không phù hợp (quá thấp hoặc quá cao) thì sẽ dẫn đến việc có kinh trở lại hàng tháng như bình thường (khác với trường hợp bị rong kinh kể trên). Liều lượng thế nào là phù hợp? Buộc phải được xét nghiệm sức khỏe định kỳ để điều chỉnh liều lượng T cho phù hợp, tránh quá cao hoặc quá thấp, vượt mức an toàn. Mỗi cơ thể lại khác do đó không có liều lượng T nào là lý tưởng cả.

Đa phần FTM Việt Nam hiện nay sử dụng T với liều lượng 250mg/3 tuần. Nếu may mắn, cơ thể hợp với liều lượng này thì sẽ không gặp phải các tác dụng phụ, ít nhất là trong tương lai gần. Còn nếu không thì bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc gặp phải 3 “cơn ác mộng” kể trên.

Nguồn tham khảo: FTM Testosterone Therapy and General Health