15/5/15

Bạn là ai? Bạn yêu ai? Có cần phải "dán nhãn"?




Miley Cyrus và fan
Bài viết được thực hiện bởi Trans Guys VN. Vui lòng ghi rõ nguồn http://TransGuysVN.blogspot.com khi sử dụng thông tin từ trang này.

Tôi có thói quen đoán giới tính (Bạn là ai?) và xu hướng tính dục (Bạn yêu ai?) của người khác, từ những người tôi nhìn thấy ngoài đời đến những người tôi chỉ biết qua mạng, người nổi tiếng, v.v... Có những người tôi thấy rất dễ đoán, nhưng ngược lại cũng có những người làm tôi thấy rất khó hiểu. Tôi không phân loại nổi xem họ thuộc "kiểu gì?". Tôi từng đọc và dịch các tài liệu về giới tính và xu hướng tính dục nhưng cũng chỉ nắm được các khái niệm thông dụng, phổ biến. Vậy nên có thể những người kể trên thuộc một kiểu mà tôi không nắm kỹ chứ không hẳn là họ không thuộc kiểu nào. Nhưng đó không phải là vấn đề mà tôi muốn nói đến hôm nay.


Có một số sự kiện rời rạc đã làm tôi phải suy nghĩ về chuyện "nhãn mác" trong vài tháng gần đây. Khoảng một tuần trước, Miley Cyrus có trả lời phỏng vấn như thế này: "I’m not hiding my sexuality. For me, I don’t want to label myself as anything" (Tạm dịch: "Tôi không giấu giếm xu hướng tính dục của mình. Tôi cũng không muốn gán mác gì cho bản thân cả"). Tôi thấy đồng tình với quan điểm này.

Trước hết tôi phải nhắc lại rằng: Quan điểm của tôi từ trước đến nay về việc không được nhầm lẫn và đánh đồng người chuyển giới với người đồng tính vẫn không thay đổi. Và quan điểm đó hoàn toàn không mâu thuẫn với những điều tôi sẽ chia sẻ trong bài viết hôm nay.

"Nhãn mác" có cần phải tồn tại không?

Theo tôi thì là Có. Thử tưởng tượng ra một thế giới không có "nhãn mác", không phân loại giới tính và xu hướng tính dục. Khi ấy, tất cả mọi người đều chỉ là con người như nhau đúng không? Có sự kỳ thị không? Tôi nghĩ là có. Vì dù không có "nhãn mác" thì người dị tính vẫn chiếm đa số, chỉ là họ không có cái tên gọi "người dị tính" nữa thôi, và họ sẽ vẫn kỳ thị những kẻ không giống mình, dù chẳng biết những kẻ đấy gọi là gì. Đa số kỳ thị thiểu số vì phần thiểu số ấy khác biệt với họ chứ không phải vì chuyện có "nhãn mác" hay không. Bỏ "nhãn mác" đi không những không giúp được gì cho việc chống kỳ thị mà còn kéo theo nhiều hệ quả khác:

- Không phân biệt giới tính thì dùng chung WC thôi. Sẽ không lạ nếu tỉ lệ quấy rối tình dục tăng vọt. Dù không có "nhãn mác" nhưng bản chất thì Nam vẫn là Nam, Nữ vẫn là Nữ.

- Không phân biệt giới tính thì thi chung thôi. Sẽ không lạ nếu các cuộc thi đòi hỏi sức khỏe chẳng bao giờ đến lượt Nữ giành chiến thắng. Dù không có "nhãn mác" thì phần đông Nữ vẫn yếu hơn Nam.

- Không phân biệt giới tính thì sẽ không có những chính sách để nhằm đảm bảo quyền lợi cho Nữ, vì tất cả đều là con người như nhau thôi mà.

Và còn n những lý do nữa mà tôi chưa thể nghĩ ra nổi để liệt kê vào đây.

Có phải ai cũng cần "dán nhãn" không?

Cần phải có "nhãn mác", cần phải có sự phân loại vì nhiều lý do, trong đó bao gồm cả việc đảm bảo quyền lợi cho các cá thể trong nhóm. Nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng phải tự "dán nhãn" cho mình, tự cố nhét mình vào một hạng mục nào đó.

Tôi từng thấy nhiều người đang trong quá trình thực hiện liệu pháp thay thế hormone từ Nữ sang Nam nhưng không hoàn toàn nhìn nhận bản thân là Nam. Có người lúc thấy mình là Nữ, lúc thấy mình là Nam. Có người lại thấy rằng bản thân ở giữa Nữ và Nam. Có người bình thường ăn mặc nam tính, tập thể hình nhưng lại có lúc mặc váy bó, trang điểm son phấn. Những lúc như thế thì tôi hay tự hỏi không biết những người này là "kiểu gì?" hay vì sao họ không nhìn nhận bản thân hoàn toàn là Nam mà lại được các BS cho phép điều trị hormone.

Có những người cực kỳ nữ tính rồi đùng một cái "come out" là FTM. Có những người từng thi các cuộc thi sắc đẹp, đùng một cái "come out" là FTM. Những người như vậy rất nhiều và thực sự tôi cũng không hiểu được suy nghĩ của họ. Hay như những người nhìn nhận bản thân là nam giới nhưng lại chỉ thích mặc đồ nữ cũng vậy.

Tôi thấy khó hiểu như vậy một phần cũng là vì suy nghĩ của tôi bị bó buộc bởi những quy chuẩn mà xã hội đặt ra về Nam và Nữ, về dị tính và đồng tính, về người chuyển giới. Nam thì phải thế này, Nữ thì thế này, Gay thì là như thế này, Les thì là như thế này, FTM là phải thế này, v.v... Chính vì những quy chuẩn đó mà khi gặp những người nằm ngoài quy chuẩn, khuôn mẫu, tôi cảm thấy rất khó hiểu.

Nhưng gần đây tôi mới nhận ra là: Vì sao lại phải như thế? Vì sao lại phải cố nhét bản thân và / hoặc người khác vào một hạng mục nào đó? Giả sử bạn là một FTM: Bạn nhìn nhận bản thân là nam giới, nhưng nếu bạn cảm thấy thích việc mặc váy, trang điểm thì sao? Vì sao bạn không thể làm những việc đó? Vì bạn cần phải suy nghĩ, hành động như một FTM, như một nam giới "bình thường"? Gay khác với MTF, nhưng nếu bạn là Gay mà bạn lại thích trang điểm, mặc váy, đi giày cao gót thì sao? Bạn không nhìn nhận bạn là Nữ như MTF, chỉ đơn giản là bạn thích thể hiện giới như thế kia thôi.

Con người chối bỏ bản thân, cố thuyết phục bản thân chối bỏ những cảm xúc, suy nghĩ, sở thích, xu hướng của mình vì sợ đi ra ngoài những hạng mục, những quy chuẩn mà xã hội đặt ra, sợ sự đánh giá, dò xét của xã hội, sợ bị cho là dị hợm, quái đản, sợ bị cười chê, giễu cợt.

ICS có ngày hội Tôn Vinh Sự Đa Dạng. Trước đây cụm từ đấy chẳng mảy may có ý nghĩa gì với tôi cả. Chỉ đến lúc nhận ra quan điểm kể trên, tôi mới thực sự hiểu. Sự Đa Dạng ở đây không phải chỉ có LGBT, nó không có giới hạn nào cả. Mỗi con người có thể có một cách nhìn nhận bản thân, một cách thể hiện giới khác nhau, bị thu hút bởi những đối tượng khác nhau và những điều trên hoàn toàn có thể thay đổi ở những thời điểm khác nhau:

Bạn có thể nhìn nhận bản thân Nam nhưng lại thích việc thể hiện giới ra bên ngoài là Nữ và bị thu hút bởi những người có ngoại hình ở giữa Nam và Nữ. Đến một lúc nào đó, bạn có thể sẽ không còn nhìn nhận bản thân là Nam nữa, hoặc bạn không còn muốn thể hiện giới như một người Nữ nữa, hoặc bạn không còn bị thu hút bởi đối tượng kể trên nữa.

"Tôi không thể hiểu được"

Tôi không thể hiểu được suy nghĩ của những người khác tôi vì tôi không ở trong hoàn cảnh của họ. Cũng như những người sinh ra với đúng giới tính của mình, họ không thể hiểu được những người chuyển giới. Họ không thể hiểu được vì sao sinh ra lành lặn như thế rồi mà lại muốn chuyển giới. Nhưng vì sao lại cần phải hiểu? Cá nhân tôi nghĩ là bạn không thể hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của người khác nếu bạn chưa từng ở trong hoàn cảnh của người đó.

Nam giới dị tính, hay nói cách khác là chỉ bị thu hút bởi Nữ, thì họ có hiểu được những cảm xúc, suy nghĩ của người con gái khi yêu không? Chắc chắn là không. Sách báo, tài liệu có mô tả những cảm xúc ấy cũng hoàn toàn chỉ là cung cấp cho bạn lý thuyết. Bạn biết rằng họ sẽ có cảm xúc ABCXYZ nào đó chứ bạn hoàn toàn không đồng cảm, không thể hiểu được. Làm sao một người chỉ có tình cảm với Nữ lại hiểu được cảm giác khi thích, khi yêu một Nam giới được? Bạn không thể hiểu được, bạn chỉ biết rằng, chấp nhận rằng cảm xúc đó tồn tại.

Ai chả biết bị dao đâm thì đau đớn, nhưng đau như thế nào thì bạn có biết không? Bạn không thể hiểu được cho đến khi bạn trải qua nó. Bạn chỉ biết về mặt lý thuyết mà thôi.

Thế nên, cái bạn cần hiểu không phải là những cảm xúc, suy nghĩ trong họ, trong những người khác (vì bạn không thể!). Cái bạn cần hiểu đó là Sự Đa Dạng. Bạn cần hiểu rằng đó là Sự Đa Dạng của con người, của giới tính, xu hướng tính dục, không phải là bệnh, là quái dị, dị hợm.

Kết

Chính Sự Đa Dạng đã làm nên thế giới, cuộc sống phong phú mà bạn đang sống. Không nói đi đâu xa, chỉ nói riêng về Sự Đa Dạng trong con người. Mỗi con người là một cá thể đặc biệt độc nhất với ngoại hình, cá tính, cách suy nghĩ, lối sống thú vị của riêng mình. Sự Đa Dạng chính là tự nhiên. Tôi nghĩ rằng nếu ai cũng hiểu điều này thì sẽ không còn sự kỳ thị nữa.