11/9/15

Hành trình sang Thái phẫu thuật ngực của một Trans Guy Việt Nam





Cuối tháng 7/2015, sau khi biết đến dịch vụ hỗ trợ các bạn chuyển giới sang Thái Lan phẫu thuật qua bài viết Phẫu thuật chuyển giới từ Nữ sang Nam tại Thái Lan của Trans Guys VN, bạn Bi Nguyễn đã nhờ đến Công ty Dulichkhamchuabenh.com, lên đường sang Thái Lan và có một cuộc phẫu thuật thành công. Sau một thời gian hồi phục, bạn Bi Nguyễn đã gửi những chia sẻ rất rất rất chi tiết của mình tới Công ty Dulichkhamchuabenh.com và nhắn chị Quỳnh Lưu gửi các thông tin này cho Trans Guys VN để chia sẻ cùng với mọi người. Cám ơn Bi Nguyễn rất rất là nhiều và mong bạn sớm hồi phục nhé  Hy vọng sắp tới Trans Guys VN sẽ tiếp tục nhận được những chia sẻ của các bạn về quá trình chuyển giới (bất kể đâu) của mình.

Vui lòng ghi rõ nguồn http://TransGuysVN.blogspot.com khi sử dụng thông tin từ trang này.

Dưới đây là nội dung chia sẻ của bạn Bi Nguyễn:

Thông qua trang thông tin trên Trans Guys VN, mình có biết đến dịch vụ hỗ trợ cho các bạn transgender qua Thái thực hiện các cuộc phẫu thuật chuyển giới FTM (Female to male-từ nữ sang nam) và MTF (Male to Female-từ nam sang nữ) từ chị Quỳnh Lưu (QL), admin trang web dulichkhamchuabenh.com. Dù đã tìm kiếm thông tin từ các  nguồn tiếng Việt khác nhưng nhận thấy thông tin khá ít và có phần sơ sài, vì vậy sau chuyến đi thực tế qua Thái thực hiện việc chuyển đổi FTM, mình viết bài review để bổ sung thêm thông tin cho các bạn đi sau.

Về chị Quỳnh Lưu, chị là người sẽ hỗ trợ các bạn đặt hẹn bác sĩ, sắp xếp thông dịch viên tiếng Việt cho bạn khi bạn đến bệnh viện, tư vấn các thắc mắc của  các bạn về dịch vụ trước khi quyết định làm phẫu thuật (chị ko tính phí dịch vụ phần này), tất cả chi phí mổ hay thuốc men thì bạn sẽ chi trả trực tiếp cho bệnh viện. Bên cạnh đó chị cũng có thể hỗ trợ các bạn đặt vé máy bay, phòng khách sạn nếu bạn có nhu cầu (phần này chị sẽ tính thêm 1 ít phí dịch vụ, như phí xuất vé máy bay). Mình cũng là 1 khách hàng của chị, mọi chi tiết các bạn liên lạc thẳng với chị theo website mình nêu phần trên nhé. Mình làm phẫu thuật tại bệnh viện Yanhee, có lẽ khá nhiều bạn cũng biết tiếng tăm bv này rồi nên ko cần nói nhiều nhé.

Về chi phí, bạn nên xem trước trên trang web của bệnh viện – yanhee.net – hoặc cụ thể bạn theo đường link này http://yanhee.net/srt-ftm/prices-and-packages xem giá. Thời điểm mình đi là từ 27/07/2015, và mình chỉ làm Mastectomy (phẫu thuật cắt bỏ phần ngực). Bạn sẽ thấy có khoảng giá từ 95.000-110.000 baht, lý do có sự khác biệt đó, theo chị QL, thì các bạn đã sử dụng hormone ít nhất 1 năm thì sẽ có mức giá mổ rẻ hơn, còn mình chưa từng dung hormone nên mình chịu mức giá 110.000. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chỉnh hình núm vú (nipple) của bạn nhỏ hơn thì bạn phải chi thêm 20.000 baht. Còn nếu đơn giản cái núm của bạn nhỏ sẵn rồi, chỉ cần làm ngực phẳng thôi thì 110.000 (chưa dùng hormone). Theo chị QL tư vấn, bạn nên đến bệnh viện trước khi gặp bác sĩ 1 ngày, như vậy sẽ tiện cho bạn hơn là đến đúng ngày khám, theo đó, chị QL sẽ sắp xếp cho bạn ở 1 đêm tại phòng bệnh viện (giá 800 baht/đêm), hoặc bạn thích ở ngoài khách sạn thì tùy bạn, mình khuyến khích nên ở bệnh viện (y tá đẹp, dễ thương, lịch sự, tiện đi lại cho việc khám vào ngày hôm sau). Còn đêm thứ 2, bạn bắt buộc phải ở bệnh viện để chuẩn bị cho việc phẫu thuật rồi, chi phí cho đêm thứ 2, nếu hên thì bạn được bác sĩ cho bao gồm trong chi phí phẫu thuật, có nghĩa là bạn ko trả thêm tiền phòng. Nếu xui thì bạn bị tính thêm 800 baht/đêm. Bản thân mình ko bị. Mổ xong, bạn sẽ ở lại bệnh viện 2 đêm, tiền phòng cũng đã được bao gồm rồi nhé. Tóm lại, tổng chi phí của mình như này:

- Phí cắt bỏ ngực: 110.000
- Chỉnh hình núm: 20.000
- Đêm đầu tiên ở bệnh viện: 800
- Tiền thuốc (trong khi nằm viện): 422 (có thể thay đổi 1 chút do mình có thuốc khác)
* Tiền khám Hormone và thuốc: 8300 (bạn có thể chọn khám hoặc ko)
* Tiền thuốc sau khi ra viện: do mình bị trầm cảm, bác sĩ kê đơn thuốc 3 tháng nên mình tốn thêm đến hơn 5000 -.- bạn lưu ý vấn đề này nhé. Mách nhỏ là nếu chỉ cho các loại thuốc kháng sinh hay giảm đau gì đó, bạn nên ra nhà thuốc ngoài mua hoặc về VN mua cho rẻ, thuốc bán tại bệnh viện mắc vô cùng nhé.
* Tiền khách sạn, tiền ăn uống, đi lại, mua sắm v.v… thì tự bạn dự trù nhé.

Trước chuyến đi, có 1 số lời khuyên cho các bạn. Bạn có thể đi 1 mình hoặc có người theo hỗ trợ vì có thể xem đây là đại phẫu, tuy nhiên, mình vẫn khuyến khích có người đi theo thì tốt hơn trong trường hợp bạn ko quá mạnh mẽ hay quen tự lập hoặc sức khỏe hơi kém, lý do vì sao thì mình sẽ nêu trong bài viết. 
Trước tiên, nói về những thứ bạn nên đem theo nhé:

- Áo sơ mi: sau khi mổ, có khi bạn sẽ thấy đau nếu giơ tay lên cao, vì vậy áo sơ mi sẽ tiện hơn áo thun. Nên đem mỗi ngày 1 cái, vì mổ xong bạn nên cẩn thận vệ sinh, ko để nhiễm trùng nhé.
- Cây gãi lưng: cái này chi tiết nhỏ mà vô cùng quan trọng nha ))))) lúc băng ngực sau mổ, bạn sẽ ngứa vô cùng, nhất là chỗ mép băng. Ko có đồ gãi hoặc người gãi thì bạn “chết chắc” (đùa thôi). 
- 1 lọ dầu (nếu bạn chịu được mùi dầu): mùi dầu sẽ giúp bạn bớt choáng sau mổ.
- Đồ ăn vặt: nên đem theo 1 chút, sau mổ có khi bạn ko ăn nổi cơm, cháo gì do sẽ rất buồn nôn, ngậm 1 viên kẹo ngọt sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn. 
- Cái gì đó giải trí cho bớt buồn: ipad gì gì đó để nghe nhạc, xem phim.
- 1 cái băng nịt ngực: trong trường hợp băng bác sĩ cho bạn bị dơ thì có cái mà thay.
- 1 cái gối nhỏ, mềm: để lót lưng khi ngồi xe hoặc máy bay sau mổ.

Tạm thời là vậy, tùy theo nhu cầu và sở thích, các bạn tự chuẩn bị thêm nhé. Mình sẽ nói tiếp về chuyến đi.

Ngày thứ 1:

Bạn ko được mang quá số tiền 5000 USD (tự tính tiền Thái tuơng đương nhé) mà ko khai báo hải quan khi nhập cảnh vào Thái. Bạn nên chuẩn bị sẵn giấy hẹn bệnh viện, giấy đặt phòng khách sạn, vé máy bay khứ hồi phòng khi bị hải quan Thái hỏi.

Mình bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, đáp xuống tại sân bay Suvarnabhumi của Thái, sân bay khá rộng, bạn cứ đi theo cái bảng chỉ đuờng đến Immigration Gate mà đi, đừng có đi theo đám đông nha, nhất là mấy đứa Trung Quốc, vì bọn nó cần Visa. Bản thân mình lúc ra khỏi máy bay thì đi chung đông ngươì lắm, lát tách ra hết trơn à, còn mỗi mình mình tiến đến cửa Immigration. Bạn đừng lo sợ gì cả, sợ lạc thì gặp bàn Information cứ tấp vào hỏi, họ sẽ chỉ. Một kinh nghiệm mình muốn chia sẻ, đôi khi bạn cần cẩn thận khi hỏi ai đó mặc đồng phục nhân viên sân bay vì người đó có thể ko rành tiếng Anh, có khả năng chỉ bậy đường cho bạn (mẹ mình dính chưởng). Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, bạn có thể bắt taxi đến thẳng bệnh viện hoặc khách sạn (mình đến bệnh viện), hoặc bạn muốn tiết kiệm thì bắt Rail link rồi đi taxi cho quãng đường còn lại. Nếu đi taxi, có thể bạn phải trả đến 500 baht để đi từ sân bay đến bệnh viện. Bản thân mình thì đi xuống tầng B (B floor) để mua vé Rail link (45 baht) đi từ sân bay đến trạm PhayaThai (PhayaThai station), rồi đi xuống bắt taxi đến bệnh viện khoảng 100 baht. 

Lưu ý, bạn nên bắt taxi màu hồng, hoặc bạn phải hỏi taxi đó có bật meter ko nhé, nếu tài xế kêu ko có thì đừng đi, giá mắc gấp đôi, gấp 3 đấy. Thậm chí bạn đi taxi hồng thì nhớ kêu nó bật meter khi lên xe nhé. Tuy nhiên, nếu bạn đi đúng vào giờ cao điểm thì giá có thể lên đến 250 baht. 

Đến bệnh viện, bạn đến quầy International Registration đăng ký. Nếu bạn ko biết tiếng Anh thì cứ đưa giấy hẹn và cứ bảo Vietnamese, can’t speak English. Nó sẽ gọi thông dịch viên cho bạn, ko cần sợ gì cả. Bạn sẽ lập hồ sơ bệnh án, sau đó người hướng dẫn sẽ dẫn bạn lên nhận phòng nghỉ, thanh toán tại quầy counter ngoài phòng luôn nhé. Cũng như khách sạn, bạn sẽ phải check out vào 12h trưa hôm sau. Muốn có nước nóng ăn uống gì, bạn cứ hỏi ngoài counter, đừng sợ phiền gì cả, trách nhiệm của họ cả thôi. Sau khi nhận phòng, bạn sẽ có thời gian rảnh đến sáng hôm sau. Bên cạnh bệnh viện có cửa hàng tiện lợi 7-11, có cái chợ nhỏ nhỏ gần đó, bạn có thể mua đồ ăn cũng được. Ở dưới bệnh viện cũng có căn tin, mà ko biết mấy giờ đóng cửa, bạn tự khám phá vậy. Nhớ khóa cửa phòng trước khi đi ra ngoài hoặc ngủ.



Ngày thứ 2:

Thường thì người thông dịch sẽ hẹn bạn 9h sáng hôm sau xuống lầu 4, khu vực Cosmetic surgery để làm thủ tục. Hôm nay, bạn sẽ gặp 4 bác sĩ, mất cả ngày đấy. Khoảng tầm 9h45 hẵng xuống, xuống sớm ngồi chờ mệt lắm. Bạn cầm giấy hẹn, lại bàn International đăng ký, đưa giấy hẹn cho họ, họ sẽ hỏi bạn vài câu hỏi, nếu ko nói được tiếng anh thì cũng câu cũ “can't speak English”, họ sẽ gọi thông dịch viên cho. Ở đây bạn được đo huyết áp, chiều cao, cân nặng. Hỏi xem bạn có vấn đề gì về sức khỏe ko, v.v….rồi ngồi chờ. Sau khi chờ vật vã, họ gọi bạn qua bàn ký cam kết trước khi đồng ý phẫu thuật, bạn chọn bản tiếng Anh nhé, có gì ko hiểu về cam kết thì hỏi người thông dịch. Ký xong bạn sẽ qua thanh toán tiền viện phí ở quầy bán thuốc. Người thông dịch sẽ hướng dẫn hết, đừng lo. 

Chờ, chờ và chờ, người đầu tiên bạn gặp sẽ là bác sĩ phẫu thuật cho bạn, ông ấy sẽ kêu bạn cởi hết áo, đánh dấu ngực bạn bằng mực để hôm sau mổ (đừng có về phòng rồi kỳ cọ, rửa bay hết nhá). Người thứ 2 là bác sĩ gây mê, hỏi bạn xem dị ứng thuốc gì, từng mổ gì chưa, v.v…chỉ vậy thôi. Nếu gần trưa rồi thì nói với nguời phiên dịch là bạn cần check out, họ sẽ cho bạn lên phòng lấy vali, check out hết xong xuống gặp người phiên dịch đó bảo họ cho bạn check in phòng bệnh trước để cất hành lý. Lúc ấy họ dẫn bạn lên tầng 10, để vali vào phòng, y tá sẽ khóa cửa và giữ chìa (bạn ko đc giữ đâu). Sau đó bạn được đăng ký khám với bác sĩ tâm lý, đăng ký xong tranh thủ đi ăn gì đi rồi đầu giờ chiều lên lại tầng 10, nói với bàn counter kêu người thông dịch cho bạn, nhớ hỏi tên người đó nhé. 





Lại chờ, chờ, chờ…bạn sẽ được làm 1 bảng câu hỏi về tâm lý, 1 bảng câu hỏi trước khi mổ. Sau đó, chờ đến khi nào được vào gặp bsi tâm lý thứ 1, nói chuyện xong, ra ngoài chờ tiếp đến khi vào gặp bsi thứ 2. Có thể nguời thứ 2 bạn gặp là bác sĩ Usaree. Ko nói được tiếng anh thì nhớ bảo người phiên dịch trước nhé. Mình bị bỏ lại 1 mình khi vào gặp 2 bác sĩ đó, may mà mình nói tiếng anh được. Có 1 điều lưu ý ở đây, bác sĩ Usaree có vẻ sẽ là nguời đánh giá bạn cuối cùng, và có sức ảnh hưởng liên quan đến bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ hormone nếu như bạn có vấn đề gì về tâm lý. Gặp xong 4 vị bác sĩ là xong cho ca phẫu thuật rồi. Tùy theo ngày hôm đó bác sĩ hormone có rảnh hay ko thì bạn sẽ được gặp luôn hoặc gặp sau khi mổ. 

Chiều về phòng, y tá sẽ vào phòng bạn thường xuyên nên ko được khóa cửa phòng nhé, trong phòng có két sắt, họ sẽ hướng dẫn bạn xài. Cất đồ quý giá, tiền bạc vào đó. Còn khi bạn ra ngoài thì cứ kêu y tá khóa cửa và mở cửa cho bạn, ko cần ngại, trách nhiệm của họ (nhưng mà đừng làm quá). Từ chiều đến tối bạn cứ ở yên trong phòng nhé, y tá sẽ vào đo huyết áp, hỏi bạn 1 vài câu hỏi, và quan trọng là bạn chọn bữa ăn theo phong cách nào (Thai food, American food, hay International food). Mình chọn đại Thai food vì nghĩ gần giống VN, nhưng rồi sau này hồi hận vì dở tệ. Tuy nhiên, sau mổ, nên kiêng 1 số thực phẩm như thịt gà, bò, hải sản vì sẽ làm lồi sẹo (nếu bạn ko sợ sẹo thì cứ quất tới), dặn y tá ko làm mấy món đó (và bạn sẽ được ăn cháo với rau xào liên tục luôn). Buổi tối, y tá sẽ vào đưa bạn 1 viên thuốc (anti-anxiety), nói là thuốc chống lo lắng vậy thôi chứ là thuốc ngủ đấy. Cất hết tiền bạc, điện thoại, v.v… vào két sắt trước khi uống, vì chỉ 10 phút sau thôi, bạn sẽ ko còn biết gì nữa đến sáng hôm sau. Àh, bạn được dặn là từ 12h đêm đến lúc mổ ko được ăn uống gì nữa. Nhớ làm đúng.

Ngày thứ 3: Ngày mổ

Buổi sáng, sẽ có y tá vào đo huyết áp và gắn 1 bình truyền nước cho bạn, vì bạn ko được ăn uống gì mà. Họ sẽ hỏi bạn hôm qua đi tiểu (peepee) lần cuối lúc mấy giờ, v.v….rồi kêu bạn thay đồ bệnh nhân, ko được mặc gì bên trong, kể cả quần lót. Mình được hẹn mổ vào lúc 1h trưa. Khoảng 12h30, y tá sẽ vào đo huyết áp lần cuối, nếu bạn lo lắng, hồi hộp, huyết áp tăng cao sẽ ko được đưa lên phòng mổ đâu đấy. Cứ relax đi, lúc mổ chả biết gì đâu. Đến khoảng 1h20 họ mới đẩy mình lên phòng mổ. Lên đó nằm chờ hỏi này nọ chút trước khi đẩy vào phòng mổ chính. Họ sẽ chọc bạn 1 chút cho bạn thư giãn (nếu bạn biết tiếng anh). 

Vào phòng mổ chính, khá lạnh, bạn sẽ cởi áo phần ngực ra, bị trói 2 tay lại…đến đây hết biết gì rồi, vì mê luôn rồi ))) 

Khi bạn tỉnh dậy, lúc đó chưa có thuốc giảm đau, bạn sẽ thấy đau như trời giáng phần ngực. Chịu khó 1 chút thôi, họ sẽ đẩy bạn lên phòng nằm, trong phòng có sẵn 6-7 y tá chờ sẵn, khiêng bạn từ băng ca qua giường nằm. Bạn sẽ được tiêm thuốc giảm đau, lúc tiêm sẽ khá là đau cánh tay, chịu khó xíu nữa nhé. Xong là bạn sẽ thấy hết đau phần ngực ngay. Tuy nhiên, ngực bạn được băng bằng bông gòn ướt bên trong nên sẽ khá khó chịu. Nhờ y tá chỉnh nhiệt độ phù hợp kẻo bị lạnh nhé. 



(Click để xem ảnh lớn)

Kể từ lúc này, đầu bạn sẽ choáng váng do thuốc mê và mất máu. Đối với những bạn có người chăm bệnh thì ko sao, nhưng nếu đi 1 mình thì cần gì cứ gọi y tá bằng đồ bấm, họ sẽ hỏi qua loa bạn cần gì, ko biết nói thì cứ “help me” ))))  họ sẽ chạy qua. 

Cứ khoảng 1h30 hoặc 2h là sẽ có người vào đo huyết áp và ghi lượng máu của bạn (bạn sẽ có 1 bình máu nối từ ngực để máu chảy ra, tránh bị tụ máu). Đi đâu nhớ cầm theo bình máu nhé. Lúc này, bạn sẽ hơi khó ăn, ăn vào sẽ buồn nôn lắm. Khi buồn nôn, chóng mặt, cầm chai dầu hít vào sẽ dễ chịu hơn.

Ngày thứ 4:

Từ sáng đến chiều thì cứ nằm trong phòng thế thôi, bác sĩ mổ sẽ vào thăm và xem vết thương của bạn. Chiều bạn sẽ được thay băng khô (lúc tháo cái băng ướt ra, sướng phải biết). Đây sẽ là đêm cuối cùng bạn ngủ lại bệnh viện. Đừng quá ngạc nhiên vì sao được ra viện sớm vậy, thật ra cũng ko có gì đau đớn và quá mệt đến mức bạn cần nằm lại cả. 

Ngày thứ 5:

Nhờ người phiên dịch làm giấy xuất viện cho bạn. Bạn sẽ được cho 1 bịch thuốc về ks uống. Thanh toán phần thuốc đó nữa nhé. Nhớ kiểm tra đồ đạc trươc khi rời phòng, kẻo quên đồ. Bạn sẽ bắt taxi về khách sạn nơi bạn ở. Nhờ người phiên dịch nói với tài xề taxi địa chỉ khách sạn bạn đặt. Nhớ lấy giấy hẹn ngày cắt chỉ.

Những ngày tiếp theo:

Bạn nên đặt khách sạn ngay khu ăn uống để tiện cho bạn, vì bạn đi bộ xa ko nổi đâu. Dù vết thương ko đau, cũng ko nên làm gì quá mạnh nha. Tránh đi xe tuk tuk. Tránh để người khác vô tình đụng trúng bạn. Tránh nước vào vết thương luôn nhé. 

Ngày cắt chỉ:

Đến bệnh viện khoảng 9h30 để làm thủ tục cắt chỉ tại tầng 4, đến bàn dành cho International để nộp giấy hẹn. Sau đó bạn ngồi chờ gọi vào cắt chỉ thôi. Lúc cắt chỉ sẽ ko hề đau gì cả vì vết thương của bạn gần như mất cảm giác nên ko cần lo lắng. Sau mổ, bạn được đeo 1 cái băng ngực, theo lời bsi dặn thì bạn nên mang nó khoảng 2-3 tháng để ko bị xệ ngực. Bản thân mình ko đủ kiên nhẫn đến vậy nên về VN được vài ngày mình bỏ luôn cái băng. Tuy nhiên, nên kiêng chạy xe máy 1 tháng. Có thể ko đau, nhưng chạy xe đúng là sẽ làm xệ phần ngực vì lúc đó lớp da bên ngoài chưa dính hẳn vào lớp cơ ngực. 


(Click để xem ảnh lớn)

Trải nghiệm tiêm hormone:

Sau khi test máu tại bệnh viện, mình đã được tiêm 1 mũi testosviron đầu tiên tại bệnh viện, liều lượng ban đầu bsi cho mình là 2 tuần/lần (mình ko khuyến khích các bạn theo liều này vì mỗi người sẽ mỗi khác, ko nên tự ý làm theo khi chưa thông qua chỉ định của bsi). Bsi hẹn 2 tháng sau mình quay lại để test lại lần nữa. Về việc tiêm thì bạn có thể đến các phòng khám nhờ bsi hoặc y tá tiêm hộ nếu bạn ko dám tự tiêm và ko có kiến thức để tự tiêm. 



Sau 3 mũi, tức hơn 1 tháng, cơ thể mình có vài sự thay đổi: tóc dài ra chậm hơn trước, tuy nhiên ria mép ra nhanh hơn. Giọng trầm hơn rõ ràng. Mụn nhiều hơn. Mỡ trên cơ thể giảm (cụ thể là phần mông giảm nhiều). Khó ngủ hơn trước. Dễ nổi nóng và lo lắng hơn. Phiền nhất là ham muốn “chuyện ấy” tăng khá cao, rất dễ bị kích thích, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm.

Tất cả mọi thông tin đăng trong bài viết đều là trải nghiệm thực tế và cảm nhận cá nhân của mình về chuyến đi. Có thể bạn sẽ có những trải nghiệm khác, vì vậy bài viết chỉ mang tính tham khảo. Các thông tin về bệnh viện, đặt phòng, vé máy bay, bạn có thể tự làm lấy hoặc liên hệ chị Quỳnh Lưu sẽ huớng dẫn chi tiết hơn cho các bạn. Chúc các bạn có cơ hội được sống đúng với bản thân.