6/9/15

Các xét nghiệm quan trọng khi sử dụng Testosterone & Những tác dụng phụ cần biết





Bài viết được thực hiện bởi Nemo - CTV Trans Guys VN. Vui lòng ghi rõ nguồn http://TransGuysVN.blogspot.com khi sử dụng thông tin từ trang này. 

Nếu phát hiện sai sót, các bạn có thể email tới TransGuysVN@gmail.com. Hy vọng nhận được các góp ý của bạn để bài viết ngày một tốt hơn.

Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều Trans Guy đang sử dụng Testosterone mà không có sự theo dõi, điều trị của bác sỹ. Đã có trường hợp tử vong do tự sử dụng hormone, do đó tôi hy vọng các bạn ý thức được mức độ nguy hiểm của loại thuốc này. Nếu có điều kiện, các bạn nên sắp xếp sang Thái Lan để được bác sỹ khám, kê đơn, như vậy sẽ yên tâm hơn, tất nhiên chi phí cho việc điều trị hormone ở Thái Lan không đắt đỏ như chi phí phẫu thuật. Thông tin về việc khám và điều trị tại Thái Lan các bạn có thể xem tại ĐÂY.

Với những bạn chưa có điều kiện sang Thái Lan để khám và điều trị nhưng vẫn có ý định nghiêm túc muốn sử dụng T, các bạn buộc phải trang bị đầy đủ các kiến thức về liệu pháp thay thế hormone dành cho người chuyển giới nam tại ĐÂY.

Khi kiến thức đã có, việc các bạn có thể làm để hạn chế tối đa những tác dụng phụ khi sử dụng T đó là thực hiện các xét nghiệm định kỳ để tự theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Vậy một người chuyển giới nam khi sử dụng T cần thực hiện những xét nghiệm nào? Những xét nghiệm đó để làm gì? Các kết quả xét nghiệm nói lên những gì về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn?

Bài viết sau đây được thực hiện bởi Nemo - CTV đầu tiên của Trans Guys VN từ nguồn FTM Testosterone Therapy and General Health. Đây là một bài viết dài, nhiều thông tin về sức khỏe và rất nhiều bạn sẽ không đọc hết ngay lúc này, tuy nhiên tôi chắc chắn một điều rằng các bạn sẽ phải quay lại và đọc kỹ những thông tin này, không chỉ một mà rất nhiều lần khi đã bắt đầu thực hiện các xét nghiệm để theo dõi sức khỏe.


 A - NHỮNG XÉT NGHIỆM QUAN TRỌNG 

Để theo dõi sức khỏe của bạn khi sử dụng Testosterone (T), bác sỹ sẽ thực hiện nhiều loại xét nghiệm, chủ yếu là các xét nghiệm máu. Trong năm đầu tiên thực hiện liệu pháp thay thế hormone, bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm máu 3 - 4 tháng/lần để xác định liều lượng T phù hợp cho bạn. Nguyên nhân là vì kết quả từ các xét nghiệm máu có thể được sử dụng để điều chỉnh liều lượng và thời gian giữa mỗi lần tiêm. Nếu trong năm đầu tiên không có vấn đề gì nghiêm trọng, thì trong năm thứ 2 các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện 6 tháng/lần. Tới năm thứ 3, nếu không có biến chứng gì thì các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện mỗi năm 1 lần.

Một số xét nghiệm quan trọng mà bác sỹ cần thực hiện sẽ được liệt kê dưới đây. Xin lưu ý rằng các khoảng giá trị kết quả của các xét nghiệm máu có thể thay đổi tùy theo các phòng xét nghiệm (vì mỗi nơi có thể dùng khoảng giá trị tham khảo khác nhau, kết quả của nơi nào phải so theo khoảng của nơi đó). Nhớ hỏi bác sỹ nếu bạn có cần chuẩn bị gì trước xét nghiệm hay không (ví dụ như vài loại xét nghiệm có yêu cầu nhịn ăn trước đó hoặc là phải uống nhiều nước), và nhớ cho bác sỹ biết tất cả các thuốc điều trị và thực phẩm bổ sung nếu bạn đang dùng, vì có thể có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
______________________________________________________

1. Xét nghiệm nồng độ Testosterone toàn phần trong huyết thanh

Mức Testosterone của mỗi người được đo bằng một loại xét nghiệm máu tên là xét nghiệm Testosterone toàn phần trong huyết thanh (serum total Testosterone test). T tồn tại trong máu dưới 2 dạng là “T kết hợp” và “T tự do” (bound T và free T). Đa số T kết hợp trong cơ thể gắn với một loại protein tên là globulin liên kết hormone tình dục (sex hormone binding globulin - SHBG). Phần T kết hợp còn lại trong cơ thể gắn với albumin, là một loại protein khác (tuy nhiên, kết nối với albumin yếu hơn, dễ bị đứt và phóng thích T tự do). T tự do không bị gắn với protein nào và được xem là loại có hoạt tính, vì loại này có sẵn để kết hợp với các thụ thể androgen (hormone sinh dục nam nói chung) trong các tế bào. (Loại T tự do dễ dàng đi vào tế bào và bộc lộ hoạt tính của T: biểu hiện của giọng trầm, lượng lông và cơ bắp). 

Xét nghiệm T toàn phần sẽ đo tổng số T kết hợp và T tự do trong cơ thể. Nồng độ bình thường của cả T kết hợp và T tự do trong cơ thể nam giới có thể vào khoảng 300 - 1100 ng/dL (nanogram trong một deciliter). Nồng độ có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và các yếu tố cá nhân khác.

Có thể đo riêng lượng T tự do trong cơ thể để theo dõi rõ hơn quá trình tiến triển của liệu pháp thay thế hormone. Nồng độ T tự do có thể vào khoảng 0,3 - 5% trên tổng số T đo được, trong đó mức 2% được xem là trung bình. Nên yêu cầu bác sỹ kiểm tra cả 2 nồng độ T toàn phần và tự do trong cơ thể. (Trong một số trường hợp thì đo riêng T tự do có khi hữu ích hơn, nhưng mà xét nghiệm này thường khó làm hơn đo T toàn phần).

Lưu ý là mỗi người đều có phản ứng khác nhau đối với các androgen, nên mức độ T sẽ không quyết định độ nam tính. Các mức nồng độ chỉ là con số để bạn và bác sỹ có thể theo dõi quá trình. Kết quả xét nghiệm và liều lượng T của bạn nên dựa theo tình trạng sức khỏe tổng quát (đặc biệt là tình trạng tim và gan), mức tiến triển trong quá trình chuyển đổi giới tính, và phản ứng của cơ thể cũng như tâm trạng đối với các mức liều lượng T. Vì liệu pháp T không thể áp dụng giống nhau với tất cả mọi người, nên bạn phải chú ý theo dõi sức khỏe và cảm xúc của bản thân, và nhớ là chỉ một thay đổi nhỏ trong liều lượng T (dù ít đi hay nhiều hơn) cũng có thể tạo khác biệt đáng kể. Bác sỹ nên dựa theo các xét nghiệm dưới đây để theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn.
______________________________________________________

2. Công thức máu 

Một xét nghiệm công thức máu (complete blood count - CBC), hay còn gọi là tổng phân tích máu, sẽ đo những mục sau:
  • Số lượng hồng cầu (red blood cell - RBC).
  • Số lượng bạch cầu (white blood cell - WBC).
  • Lượng huyết sắc tố (hemoglobin - HGB) toàn phần trong máu.
  • Thể tích khối hồng cầu (hematocrit - HCT).
  • Thể tích trung bình một hồng cầu (mean corpuscular volume - MCV) - kích thước của hồng cầu.
Các chỉ số tham khảo của hồng cầu, huyết sắc tố, và thể tích khối hồng cầu sẽ khác nhau giữa cơ thể nam và nữ. Khi một người chuyển giới nam bắt đầu liệu pháp T, thì anh ta sẽ cần so sánh kết quả xét nghiệm máu của mình với các khoảng tham khảo dành cho cơ thể nam giới. Những chỉ số của nam, nếu có khác với của nữ, sẽ được ghi chú dưới đây. Nên nhớ các giá trị tham khảo sau đây có thể thay đổi tùy từng phòng xét nghiệm:
  • RBC (nam): 4,7 - 6,1 triệu cells/ul (tế bào trên microliter)
  • WBC: 4.500 - 10.000 cells/ul 
  • Hemoglobi (nam): 13,8 - 17,2 gr/dl (gram trên deciliter)
  • Hematocrit (nam): 40,7 - 50,3%
  • MCV: 80 - 95 femtoliter
(Lưu ý: Các chỉ số số lượng hồng cầu, thể tích hồng cầu, và huyết sắc tố cũng có thể thay đổi theo độ cao).

Trong các chỉ số trên, chỉ số số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, và thể tích hồng cầu nên được theo dõi kỹ trong quá trình liệu pháp T. Các chỉ số đó sẽ được giải thích chi tiết ra sau đây:

Số lượng hồng cầu (RBC)

Hồng cầu vận chuyển huyết sắc tố. Huyết sắc tố vận chuyển khí oxy cho các mô cơ thể. Hồng cầu thường tồn tại trong máu khoảng 120 ngày, sau đó được lá lách và gan loại bỏ.

Giá trị tham khảo cho RBC của nam: 4,7 - 6,1 triệu cells/ul 

T có kích thích tạo hồng cầu. Ở người chuyển giới nam, số lượng hồng cầu sẽ được tăng lên cho bằng với khoảng giá trị của nam giới và tốt nhất không nên tăng vượt khoảng đó.

Huyết sắc tố (HGB)

Huyết sắc tố, như đã đề cập ở trên, là một protein mang khí oxy trong máu. Ngoài ra còn mang khí CO2 từ các mô cơ thể đến phổi để thở ra ngoài. Huyết sắc tố được chứa trong hồng cầu.

Giá trị tham khảo cho HGB của nam: 13,8 - 17,2 grams/dl

T có kích thích tạo huyết sắc tố. Ở người chuyển giới nam, chỉ số HGB thường sẽ được tăng lên cho bằng với khoảng giá trị của nam giới và tốt nhất không nên tăng vượt khoảng đó.

Thể tích hồng cầu (HCT)

Thể tích hồng cầu là % máu bao gồm hồng cầu. Được tính bằng tổng số hồng cầu và kích thước của chúng. Thế tích hồng cầu cho biết tỷ lệ tế bào và dịch có trong máu-- khi chỉ số HCT quá cao, thì nghĩa là máu rất đặc, điều này có thể gây ra nhiều biến chứng.

Giá trị tham khảo cho HCT của nam: 40,7 - 50,3% thể tích máu toàn phần

Vì T có kích thích tạo hồng cầu, nó cũng có thể làm tăng chỉ số HCT. Ở người chuyển giới nam, phần trăm HCT thường sẽ được tăng lên cho bằng với khoảng giá trị của nam giới và tốt nhất không nên tăng vượt khoảng đó.
______________________________________________________

3. Xét nghiệm chức năng gan / Men gan

Có một số xét nghiệm máu được dùng để đánh giá chức năng gan. Những xét nghiệm đó đo nồng độ của một số men (enzyme) cụ thể và / hoặc các chất khác trong máu, sự tồn tại của các chất đó có thể là biểu hiện của tổn thương ở gan hoặc ở các mô quan trọng khác. Vì thể trạng gan có thể bị ảnh hưởng bởi việc dùng T (và vì T được chuyển hóa trong gan), bác sỹ của bạn có thể sẽ theo dõi men gan hoặc nồng độ gan bằng một số hoặc tất cả các xét nghiệm sau đây:

Các xét nghiệm thông thường để đo các enzyme cụ thể bao gồm: AST (aspartate aminotransferase), ALT (alanine aminotransferase), ALP (alkaline phosphatase - phosphatase kiềm), và GGT (gamma glutamyl transferase). 2  loại aminotransferase là những enzyme nội bào, hiện tượng tăng các enzyme này trong máu cho biết có tổn thương ở gan. Còn loại phosphatase kiềm và GGT lại liên quan đến tình trạng bất thường về bài tiết ở gan. 

Các xét nghiệm khác để đánh giá chức năng gan bao gồm: Albumin (protein do gan sản xuất, nồng độ albumin thấp có thể là biểu hiện gan bị tổn thương (cụ thể là xơ gan) và cơ thể suy dinh dưỡng), Bilirubin (sắc tố vàng do gan sản xuất trong quá trình tái tạo hồng cầu; bilirubin tăng có biểu hiện ra ngoài là vàng da và mắt, và là biểu hiện của bệnh gan mật), và thời gian Prothrombin (Prothrombin time - PT, thời gian tạo máu đông, dùng để đánh giá độ đông máu).

Chi tiết về các xét nghiệm được ghi ra sau đây. Lưu ý: Các nồng độ / giá trị tham khảo của các xét nghiệm sẽ khác nhau tùy theo từng phòng xét nghiệm:

AST
(Còn gọi là serum glutamic-oxaloacetic transaminase [SGOT])

AST là một enzyme có nồng độ cao trong hồng cầu, gan, tế bào tim, và mô cơ, và có nồng độ thấp hơn ở tụy, thận, và các mô khác. Khi mô cơ thể hay một cơ quan như tim hay gan có tổn thương, enzyme AST được phóng thích vào máu. Lượng enzyme AST tìm thấy trong máu có liên quan trực tiếp đến mức độ của sự tổn thương. AST thường được đo chung với các nồng độ enzyme khác như là ALT và ASP để theo dõi bệnh gan.

Vận động mạnh có thể ảnh hưởng kết quả xét nghiệm enzyme AST, do đó nên tránh các hoạt động mạnh ngay trước khi làm xét nghiệm. Một số thuốc và thực phẩm bổ sung cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Nên nói với bác sỹ của bạn về các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm vitamin và các thực phẩm bổ sung thảo dược.

Giá trị tham khảo cho AST: 0 - 35 IU/l (đơn vị quốc tế trên một lít)

Lưu ý: Nồng độ bất thường trong xét nghiệm này có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân, và không thể tự động được cho là do bệnh gan (VD: Vận động mạnh làm tăng AST, AST ở nam cao hơn ở nữ, và cao hơn khi lấy máu vào buổi sáng so với buổi tối). Và nồng độ bình thường cũng không nhất thiết nghĩa là gan bình thường (VD: Người có tổn thương gan trước đó, bây giờ đo có nồng độ bình thường).

ALT
(Còn gọi là serum glutamate pyruvate transaminase [SGPT])

ALT là một enzyme có tham gia vào quá trình trao đổi chất của alanine, một amino acid. ALT tồn tại trong một số mô nhưng tập trung cao nhất trong gan. Nếu gan bị tổn thương, ALT được phóng thích vào máu.

Giá trị tham khảo cho ALT: 5 - 35 IU/l (đơn vị quốc tế trên lít)

Khoảng bình thường có thể thay đổi tùy theo một số yếu tố, bao gồm tuổi tác, chủng tộc, và giới tính. Nên tham khảo với bác sỹ hoặc phòng xét nghiệm để được giải thích thêm.

ALP

Alkaline phosphatase (ALP) là một enzyme có trong tất cả các mô, nhưng tập trung nhiều trong gan, ống mật, và nhau thai.

Mô bị viêm hay bị bệnh sẽ phóng thích ALP vào máu. Mức ALP trong máu cũng có thể tăng trong một số trường hợp bình thường hay do phản ứng với nhiều loại thuốc. Có nhiều loại enzyme ALP, mỗi loại có một cấu trúc khác nhau, gọi là các isoenzyme. Các loại isoenzyme khác nhau có trong các mô khác nhau. Để phân biệt vị trí của mô bị viêm hay bị bệnh trong cơ thể, xét nghiệm ALP isoenzyme cũng phải được làm trong phòng xét nghiệm.

Giá trị tham khảo cho ALP: 30 - 120 IU/l (đơn vị quốc tế trên lít)

Các giá trị bình thường có thể thay đổi tùy theo tuổi tác và giới tính. Nên tham khảo với bác sỹ của bạn hay phòng xét nghiệm để được giải thích thêm.

GGT

GGT có vai trò tích cực trong việc vận chuyển các amino acid qua màng tế bào và trong quá trình chuyển hóa glutathione. GGT với nồng độ cao được tìm thấy trong gan, ống mật, và thận.

GGT thường được đo chung với các chỉ số enzyme gan như là ALP. Việc so sánh các chỉ số enzyme rất hữu ích cho việc phân biệt các rối loạn về gan hay ống mật với các bệnh về xương. Mức ALP tăng chỉ phản ánh bệnh gan nếu có kèm theo GGT tăng. ALP tăng không phải là đặc hiệu của bệnh gan, vì còn có thể do các bệnh xương, tắc mật, và tắc ruột. GGT có thể tăng không kèm theo ALP vì GGT dễ bị ảnh hưởng bởi rượu.

Giá trị tham khảo cho GGT: 0 - 51 IU/l (đơn vị quốc tế trên lít)

Các giá trị bình thường cho xét nghiệm này có thể thay đổi nhiều, và tùy theo tuổi tác và giới tính từng cá nhân. Tham khảo với bác sỹ của bạn hoặc phòng xét nghiệm để được giải thích thêm.

Albumin

Albumin là một protein vận chuyển các phân tử nhỏ trong máu, bao gồm bilirubin, calcium, progesterone, và các chất thuốc. Nó cũng giúp duy trì áp suất thể tích của máu.

Albumin được tổng hợp bởi gan; tụt giảm albumin huyết thanh có thể là do bệnh về gan. Nó cũng có thể là do bệnh về thận, suy dinh dưỡng, hay do chế độ ăn có ít protein.

Giá trị tham khảo cho albumin: 3.4 - 5.4 g/dl (gram trên deciliter)

Bilirubin

Bilirubin là sản phẩm phân hủy của huyết sắc tố. Hồng cầu chứa huyết sắc tố, được cấu tạo bởi hai thành phần là nhân heme và globin. Heme được chuyển đổi thành bilirubin. Albumin mang bilirubin đến gan, nơi mà hầu hết bilirubin được liên hợp với một glucuronide, một loại enzyme, trước khi được tiết ra qua ống mật. Bilirubin liên hợp gọi là “bilirubin trực tiếp” (direct bilirubin); bilirubin không liên hợp gọi là “bilirubin gián tiếp” (indirect bilirubin). Bilirubin toàn phần bao gồm bilirubin trực tiếp cộng với bilirubin gián tiếp. 

Bilirubin toàn phần và trực tiếp thường được đo để tầm soát bệnh gan hay rối loạn thức năng túi mật / ống mật.

Giá trị tham khảo cho bilirubin toàn phần: 0,1 - 1 mg/dl (milligram trên deciliter)
Giá trị tham khảo cho bilirubin gián tiếp: 0,2 - 0,8 mg/dl
Giá trị tham khảo cho bilirubin trực tiếp: 0,1 - 0,3 mg/dl

Thời gian Prothrombin (PT hay Pro-time)

Đây là một xét nghiệm đo thời gian đông của huyết tương (phần dịch lỏng trong máu).

Quá trình đông máu cần các loại protein khác nhau được biết đến như là các yếu tố đông máu (coagulation factors), được đánh số riêng biệt với chữ số La Mã (VD: Yếu tố I, Yếu tố II, Yếu tố V, Yếu tố X, v.v...). Gan sản xuất các protein này và tiết vào máu. Máu bắt đầu đông khi một số yếu tố đông máu tiếp xúc với mô bị tổn thương. Mỗi phản ứng của một yếu tố sẽ kích hoạt một phản ứng kế tiếp, thành một chuỗi phản ứng. Sản phẩm cuối cùng của chuỗi phản ứng đông máu là cục máu đông.

Xét nghiệm thời gian Prothrombin (PT) đo khả năng đông của các yếu tố I (fibrinogen), II (prothrombin), V, VII, và X. Khi thiếu bất kỳ yếu tố nào trong các yếu tố này, thời gian Prothrombin sẽ bị kéo dài. Ngoài việc tầm soát các rối loạn đông máu/chảy máu, xét nghiệm thời gian Prothrombin còn có thể cho biết dấu hiệu của bệnh gan và ống mật.

Giá trị tham khảo cho thời gian Prothrombin (PT): 9 - 12 giây

Các giá trị bình thường sẽ thay đổi chút ít ở các phòng xét nghiệm khác nhau, và sẽ cao hơn ở những người đang điều trị chống đông máu.

Testosterone có khả năng ngăn chặn các yếu tố đông máu II, V, VII, và X. Vì xét nghiệm thời gian Prothrombin đo khả năng đông máu của các yếu tố cụ thể đó trong một nhóm, nó là một xét nghiệm tầm soát quan trọng cho những người dùng Testosterone.
______________________________________________________

Xét nghiệm đông máu


Xét nghiệm yếu tố đông máu thường được làm bổ sung để theo dõi khi thời gian Prothrombin (PT) có kết quả bất thường (thời gian Prothrombin được xem là bất thường khi kéo dài hơn thời gian tham chiếu ít nhất 2 giây, hoặc có thể thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm, và đây là dấu hiệu của hiện tượng giảm đông). 

Trong quá trình xét nghiệm, các yếu tố đông máu nghi ngờ bị thiếu sẽ được làm thử nghiệm riêng rẽ. Thử nghiệm chức năng (hoạt động) và thử nghiệm số lượng (kháng nguyên - antigen) có thể giúp xác định (những) yếu tố nào bị ảnh hưởng và độ nghiêm trọng (hai thử nghiệm này giúp xác định nguyên nhân hiện tượng giảm đông là do một yếu tố đông máu không hoạt động bình thường hay là do thiếu hụt một yếu tố đông máu). Thử nghiệm kháng nguyên không thể làm với tất cả các yếu tố đông máu.
______________________________________________________

4. Xét nghiệm hồ sơ lipid máu

Hồ sơ lipid là một nhóm các xét nghiệm giúp xác định nguy cơ bệnh tim mạch vành. Hồ sơ bao gồm Cholesterol toàn phần, Cholesterol HDL (Lippoprotein tỷ trọng cao - High Density Lipoprotein, hay là Cholesterol tốt), Cholesterol LDL (Lipoprotein tỷ trọng thấp - Low Density Lipoprotein, hay là Cholesterol xấu), và Triglyceride (chất béo trung tính).

Cholesterol

Cholesterol là một chất mềm, bóng như sáp tồn tại trong tất cả các phần trong cơ thể bao gồm hệ thần kinh, da, cơ bắp, gan, ruột, và tim. Nó vừa được tạo bởi cơ thể vừa được hấp thu từ các loại thức ăn nhất định. Cholesterol được sản xuất trong gan và được vận chuyển trong máu tới các mô cơ thể.

Việc đo lường Cholesterol được chia thành 3 loại: Cholesterol HDL, Cholesterol LDL và Cholesterol toàn phần. Mức Cholesterol LDL càng thấp thì nguy cơ đau tim và đột qụy càng thấp. Nồng độ Cholesterol mong muốn, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ, được liệt kê dưới đây:

Các mức nồng độ Cholesterol toàn phần:
Lý tưởng: ít hơn 200 mg/dl (milligram trên deciliter)
Cận nguy cơ cao (borderline high risk): 200 đến 239 mg/dl
Nguy cơ cao: trên 240 mg/dl

Các mức nồng độ Cholesterol LDL:
Tối ưu: ít hơn 100 mg/dl (milligram trên deciliter)
Gần Tối ưu/Trên Tối ưu: 100 đến 129 mg/dl
Cận cao: 130 đến 159 mg/dl
Cao: 160/189 mg/dl
Rất cao: trên 190 mg/dl

Các mức nồng độ Cholesterol HDL:
Ở phụ nữ trung bình: 50 đến 60 mg/dl (milligram trên deciliter)
Ở nam giới trung bình: 40 đến 50 mg/dl
Thấp: ít hơn 40 mg/dl

Liệu pháp Testosterone có thể góp phần tăng Cholesterol xấu (LDL) và giảm loại tốt (HDL).

Triglyceride

Triglyceride là dạng hóa học mà đa số các chất béo tồn tại trong thức ăn cũng như cơ thể. Chúng là dạng thường gặp nhất của mỡ cơ thể, và là nguồn năng lượng chính. Số Triglyceride có trong huyết tương có nguồn gốc từ các chất béo trong thức ăn hay được cơ thể tạo ra từ các nguồn năng lượng khác như Carbohydrate. Lượng calorie trong một bữa ăn không cần dùng ngay bởi các mô để lấy năng lượng sẽ được chuyển hóa thành Triglyceride và được chuyển tới các tế bào mỡ để dự trữ. Triglyceride được phóng thích khi cần từ các mô mỡ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể giữa các bữa ăn.

Vì Triglyceride là dạng lưu thông của chất béo, người ta có thể nghĩ rằng chế độ ăn nhiều béo sẽ tăng Triglyceride. Tuy nhiên, Carbohydrate mới là yếu tố ảnh hưởng nhất đến nồng độ Triglyceride. Chế độ ăn giàu Carbohydrate, đặc biệt là đường, sẽ dẫn đến tăng Triglyceride.

Phân loại nồng độ Triglyceride :
Bình thường: ít hơn 150 mg/dl (milligram trên deciliter)
Cận cao: 150 - 199 mg/dl
Cao: 200 - 499 mg/dl
Rất cao: trên 500 mg/dl
______________________________________________________

5. Đo huyết áp

Một kết quả đo huyết áp thường được trình bày gồm hai trị số đo: Huyết áp tâm thu (systolic) trên Huyết áp tâm trương (diastolic). Huyết áp tâm thu là áp suất của máu khi tim co bóp (áp suất khi âm thanh xung đầu tiên được nghe). Huyết áp tâm trương là áp suất giữa các nhịp tim (áp suất khi âm thanh xung cuối cùng được nghe). Máu càng khó lưu thông, các chỉ số càng cao.

Phân loại huyết áp cho người lớn:
Bình thường: Tâm thu < 120 mm Hg; Tâm trương < 80 mm Hg (millimet thủy ngân)
Tiền tăng huyết áp: Tâm thu = 120 - 139 mm Hg; hay Tâm trương = 80 - 89 mm Hg
Tăng huyết áp Giai đoạn 1: Tâm thu = 140 - 159 mm Hg; hay Tâm trương = 90 - 99 mm Hg
Tăng huyết áp Giai đoạn 2: Tâm thu = 160 mm Hg hay cao hơn; hay Tâm trương = 100 mm Hg hay cao hơn

Khi huyết áp tâm thu và tâm trương của một người rơi vào các mức phân loại khác nhau, mức cao nhất sẽ được dùng để phân loại trạng thái huyết áp. Chẩn đoán cao huyết áp được dựa vào kết quả trung bình của 2 hay nhiều số đo lấy trong 2 hay nhiều lần khám sau lần xét nghiệm sàng lọc đầu tiên.

Tăng huyết áp (hypertension) là thuật ngữ chỉ hiện tượng huyết áp cao bất thường, ngay cả khi đang nghỉ ngơi.

Liệu pháp Testosterone có thể góp phần làm tăng huyết áp.
______________________________________________________

6. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear) / Khám phụ khoa

Rất nhiều người chuyển giới nam thấy rất khó chịu với việc có bộ phận sinh dục / cơ quan sinh sản nữ. Mặc dù một số người chuyển giới nam có thể làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung & buồng trứng, phẫu thuật bộ phận sinh dục, nhưng cũng có không ít người chưa / không làm phẫu thuật gì cả. 

Những người chuyển giới nam vẫn còn tử cung và buồng trứng nên khám phụ khoa định kỳ, kèm xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Nếu một người chuyển giới nam đang hay đã từng có bất kỳ kiểu quan hệ tình dục nào qua đường âm đạo, xét nghiệm tể bào cổ tử cung nên được làm định kỳ (thường là 1 - 2 năm/lần, tùy theo kết quả xét nghiệm và hoạt động tình dục). Cho dù có khó chịu đến đâu thì đây cũng là một việc cần thiết. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung định kỳ có thể xác định các tế bào tiền ung thư ở cổ tử cung từ sớm để điều trị kịp thời.

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung thường xuyên có thể làm ở văn phòng bác sỹ đa khoa, bệnh nhân không cần tới phòng khám sản / phụ khoa nếu anh ta thấy không thoải mái.

Trong lúc xét nghiệm tế bào cổ tử cung, mẫu tế bào sẽ được lấy từ cổ tử cung và phết lên kính hiển vi. Các tế bào được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm những biến đổi tiền ác tính (tiền ung thư) hay ác tính (ung thư).

Trong đa số các trường hợp, một xét nghiệm tế bào cổ tử cung có thể xác định các bất thường của tế bào cổ tử cung trước khi chúng phát triển thành ác tính. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là nhằm giúp chẩn đoán ung thư cổ tử cung; nó không nhằm để phát hiện các loại ung thư khác như là ung thư buồng trứng, âm đạo, hay tử cung. Ung thư ở các bộ phận này có thể được phát hiện trong quá trình khám phụ khoa, thường được làm cùng lúc với xét nghiệm tế bào cổ tử cung.

Cả hút thuốc và virus gây nên chứng bệnh u nhú trên cơ thể người hay còn gọi là bệnh sùi mào gà (HPV) đều có thể làm tăng nguy cơ có kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung bất thường. Có nhiều loại virus HPV lây qua đường tình dục, và có những loại nhất định (không phải tất cả) đã được chứng minh là nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung. Để biết thêm thông tin về siêu vi HPV và ung thư cổ tử cung, vui lòng xem phần nguồn tham khảo tiếng Anh cuối bài viết. 

Lưu ý chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm: làm trong lúc không có kinh, tốt nhất là làm trong nửa sau chu kỳ (ngày 15 - 20), không làm nếu có viêm nhiễm hay xuất huyết âm đạo / tử cung, và trong vòng 48 tiếng trước khi xét nghiệm thì không dùng thuốc đặt âm đạo, thụt rửa hay quan hệ qua đường âm đạo.
______________________________________________________

 B - NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ TIỀM ẨN CỦA LIỆU PHÁP TESTOSTERONE 

Tăng số lượng hồng cầu (RBC)

Số hồng cầu cao hơn bình thường có thể là biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh, bệnh tâm phế (suy tâm thất phải do tăng huyết áp thường xuyên trong động mạch phổi và tâm thất phải, làm thành tâm thất giãn và phì đại), bệnh đa hồng cầu - polycythemia, hay bệnh thận kèm tăng sản xuất erythropoietin (một hormone kích thích tạo hồng cầu do thận sản xuất). 

Tăng huyết sắc tố (HGB)

Huyết sắc tố cao hơn bình thường có thể là biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh, bệnh tâm phế - cor pulmonale (suy tâm thất phải do tăng huyết áp thường xuyên trong động mạch phổi và tâm thất phải, làm thành tâm thất giãn và phì đại), bệnh đa hồng cầu - polycythemia, hay tăng sản xuất hồng cầu kết hợp với erythropoietin dư thừa. 

Tăng thể tích khối hồng cầu (HCT)

Thể tích khối hồng cầu cao có thể là biểu hiện cho tình trạng mất nước, tăng hồng cầu thứ phát - erythrocytosis (sản xuất hồng cầu dư thừa), hay là đa hồng cầu - polycythemia. 
______________________________________________________

Đa hồng cầu (Polycythemia)

Việc dùng T đã được chứng minh có làm tăng quá trình tạo hồng cầu (erythropoiesis). Đa hồng cầu là một mức độ hồng cầu cao bất thường. Phần hồng cầu dư thừa làm đặc máu, cản trở máu lưu thông qua các mạch máu nhỏ và gây ra một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Có một vài loại đa hồng cầu: đa hồng cầu nguyên phát (polycythemia vera), đa hồng cầu tương đối (relative polycythemia) và đa hồng cầu thứ phát (secondary polycythemia).

Việc biết được sự khác biệt giữa 3 loại tình trạng này rất quan trọng, vì đa hồng cầu do sử dụng T tốt nhất nên được xếp vào dạng đa hồng cầu thứ phát. Dĩ nhiên, nếu bác sỹ chẩn đoán bạn có đa hồng cầu, điều quan trọng vẫn là xác định xem bạn có loại đa hồng cầu nào và tiến hành điều trị với phương pháp phù hợp. Không nên tự động phỏng đoán kết quả tăng số lượng hồng cầu (RBC) hay thể tích khối hồng cầu (HCT) là đa hồng cầu thứ cấp chỉ vì bản thân đang sử dụng T. Tiền sử bệnh trong gia đình và các yếu tố khác (liệt kê sau đây) nên được xem xét.

Đa hồng cầu nguyên phát là một rối loạn tăng sinh tủy hiếm gặp, nghĩa là các tế bào tủy xương (nơi sản xuất hồng cầu) sinh sản không kiểm soát được. Trong đa hồng cầu nguyên phát, số lượng hồng cầu tăng lên mà không bị kích thích bởi hormone kích thích hồng cầu, erythropoietin (EPO). Những yếu tố nguy cơ bao gồm phơi nhiễm phóng xạ, một số thuốc điều trị ung thư, và tiền sử gia đình có mắc đa hồng cầu nguyên phát.

Trong trường hợp đa hồng cầu tương đối, bệnh nhân có thừa hồng cầu do mất đi một lượng lớn huyết tương (phần dịch lỏng trong máu). Điều này có thể là do cơ thể bị mất nước, dùng chất lợi tiểu, bị phỏng, căng thẳng, hay cao huyết áp.

Đa hồng cầu thứ cấp được định nghĩa là sự tăng hồng cầu tuyệt đối do sự gia tăng hormone kích thích tạo hồng cầu EPO. Sự tăng EPO là tăng bù trong những trường hợp như bị mất nước, thiếu oxy máu, ở vùng núi cao, làm việc ở độ cao như phi công, suy tim hay bệnh hô hấp. Các nguyên nhân tiềm ẩn bao gồm thiếu oxy trong máu do bệnh tim, phơi nhiễm khí CO thường xuyên do hút thuốc, các rối loạn di truyền sản sinh một huyết sắc tố bất thường hay sản xuất quá nhiều hormone kích thích tạo hồng cầu EPO, hay bệnh thận.

Những biến chứng có thể phát sinh từ bệnh đa hồng cầu bao gồm chứng huyết xuyên / huyết khối / tắc mạch máu (các cục máu đông có thể gây đột quỵ hay đau tim), xuất huyết, và suy tim.

Mục tiêu của việc điều trị là để giảm độ đặc của máu do tăng khối hồng cầu và ngăn việc xuất huyết và chứng huyết xuyên.

Trích máu (phlebotomy) là 1 trong những phương pháp dùng để giảm độ đặc của máu. Trong phương pháp trích máu, 1 pint (= 0,5 lít) máu được rút mỗi tuần cho đến khi thể tích khối hồng cầu (HCT) xuống ít hơn 45%, sau đó việc trích máu được tiếp tục thực hiện khi cần.

Đối với đa hồng cầu tương đối và đa hồng cầu thứ cấp, việc điều trị cũng phải giải quyết bất kỳ yếu tố nguy cơ tiềm ẩn nào, như là hút thuốc.
______________________________________________________

Tăng men gan & các tình trạng gan tiềm ẩn

Liệu pháp T có thể gây ra các biến đổi trong các xét nghiệm chức năng gan, ứ mật vàng da, ung thư tế bào gan (hiếm gặp), và ứ máu gan. Cụ thể thì việc dùng T qua đường uống có liên quan tới các biến chứng đó, ngoài ra còn có liên quan đến ung thư biểu mô tế bào gan và u gan lành tính. Việc dùng T qua đường uống do vậy không được khuyến khích. Các phương pháp tiêm, dán trên da, ngậm thuốc ở lợi, và cấy thuốc dạng viên dưới da được cho là giảm đáng kể các nguy cơ nói trên. Cho dù dùng phương pháp nào để đưa T vào cơ thể, bệnh nhân đều nên cẩn thận thực hiện các xét nghiệm chức năng gan để theo dõi tình trạng tổng quát của gan.

Ứ mật vàng da 

Bệnh vàng da là sự chuyển vàng của da và các mô khác do dư thừa bilirubin lưu thông trong máu. Vàng da nhẹ thường được phát hiện khi bilirubin huyết thanh đạt mức 2 - 2,5 mg/dl (milligram trên decilit). Bệnh ứ mật vàng da là do tắc mật (tình trạng mà bài tiết mật từ gan bị chặn, có thể xảy ra trong gan hay trong ống mật).

Ung thư tế bào gan 

Ung thư tế bào gan là thuật ngữ khái quát chỉ phần mô mới bất thường phát triển trên gan (neoplasm nghĩa là “tăng trưởng mới”). Những tăng trưởng này có thể là lành tính hay ác tính.

Ứ máu gan

Ứ máu gan là tình trạng mà nhiều khoảng nang chứa đầy máu (ổ máu) phát triển khắp nơi trong gan và có thể dẫn đến tắc nghẽn và hoại tử gan.

U gan lành tính 

U gan lành tính là một khối u gan lành tính hiếm gặp. Có 2 dạng u lành tính đã được nhận dạng, bao gồm các khối u có nguồn gốc từ ống dẫn mật và các khối u có nguồn gốc từ tế bào gan. Các khối u có thể vỡ và chảy máu, gây cảm giác đau. Dù là những thương tổn lành tính, các khối u lành có thể trải qua biến đổi ác tính trở thành ác tính: ung thư biểu mô tế bào gan. Dù quá trình biến đổi ác tính rất hiếm gặp, hầu hết những người được chẩn đoán có u lành tính đều được khuyên nên phẫu thuật.

Ung thư biểu mô tế bào gan

Ung thư biểu mô tế bào gan là một thuật ngữ chỉ khối u gan ác tính.
______________________________________________________

Ngăn chặn các yếu tố đông máu

T có khả năng ngăn chặn các yếu tố đông máu số II, V, VII, và X. Đối với những người còn dùng những thuốc chống đông máu như Warfarin, T có thể tăng tác dụng của các thuốc đó. Những người dùng các thuốc kể trên hay những người có rối loạn chảy máu nên cẩn trọng. Nên tham khảo với bác sỹ của bạn về những điều chỉnh liều dùng có thể.
______________________________________________________

Tăng hồ sơ lipid máu / Tăng Cholesterol

Mức Cholesterol của một người càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành của người đó càng cao. Mức Cholesterol xấu (LDL) càng thấp, nguy cơ đau tim và đột qụy của bạn càng thấp. Việc duy trì mức Cholesterol tốt (HDL) đủ cao cũng quan trọng. Cholesterol toàn phần dư thừa sẽ góp phần gây bệnh xơ vữa động mạch và bệnh tim sau này.

Xơ vữa động mạch là tình trạng mà chất béo, Cholesterol, và các chất khác đọng lại trong thành động mạch. Chất béo này hóa đặc và cứng lại, tạo thành các “mảng bám” làm giảm độ đàn hồi của động mạch và có thể dần dần làm nghẽn mạch. Các cục máu đông có thể hình thành quanh các mảng bám, gây thêm mối nguy hiểm khác nếu chúng vỡ ra và di chuyển tới tim, phổi, hay não. 

Mức nồng độ Triglyceride cao có thể có liên quan tới nguy cơ bệnh tim và đột qụy cao hơn. Những người có mức Triglyceride cao thường có những tình trạng khác làm tăng khả năng phát triển bệnh tim mạch, như là bệnh tiểu đường và béo phì. Nồng độ Triglyceride cao cũng có thể là biểu hiện của xơ gan, suy giáp, chế độ ăn nhiều Carbohydrate, bệnh tiểu đường thiếu kiểm soát, hay viêm tụy.
______________________________________________________

Tăng huyết áp

Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, trực tiếp làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch vành và đột quỵ, nhất là khi kèm với các yếu tố nguy cơ khác. Liệu pháp T có thể góp phần làm tăng số đo huyết áp. Vì lý do này, và vì các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác của bệnh tim như là tăng hồ sơ lipid hay đa hồng cầu, điều tốt nhất là nên theo dõi số đo huyết áp trong suốt quá trình liệu pháp T.
______________________________________________________

Phù thũng

Phù thũng chỉ sự tích tụ chất lỏng bất thường ở mắt á chân, bàn chân, và chân. Thường thì không đau. T được biết là có làm giữ nước và các chất điện giải (VD: natri, kali, canxi, và phospate vô cơ), góp phần làm sưng phù như vậy. Nhiều khi tăng lượng nước uống mỗi ngày có thể giảm hay giải quyết vấn đề.
______________________________________________________

Mụn

Mụn là một rối loạn da liễu (đặc trưng bởi mụn đầu trắng, mụn đầu đen, và mụn mủ) làm ảnh hưởng đến các đơn vị nang lông - tuyến bã nhờn trên da. Các đơn vị nang lông gồm một tuyến bã nhờn (tuyến sản xuất dầu) nối với một ống gọi là nang lông. Nang chứa một sợi lông mảnh, và sợi lông mọc ra qua lỗ mở của nang trên bề mặt da. Lỗ mở này thường gọi là lỗ chân lông. Có rất nhiều đơn vị nang lông trên mặt, phần lưng trên, và ngực (những nơi mà vấn đề mụn thường tệ nhất).

Những tuyến bã nhờn sản xuất một chất dầu gọi là bã nhờn mà thường tiết ra lên bề mặt da qua lỗ chân lông. Vấn đề bắt đầu khi nang lông bị bít, do đó ngăn chặn việc bài tiết bình thường của bã nhờn. Nếu một nang lông bị tắc vì lý do nào đó, hỗn hợp của các tế bào biểu bì chết và dầu bên trong cho phép vi khuẩn Propionibacterium acne (P. acne) phát triển bên trong nang lông bị bít.

Vi khuẩn P. acne bên trong nang lông bị tắc làm cơ thể chuyển bạch cầu đến nang lông đó, sau đó làm vùng này viêm và đau nhức (do dáp ứng miễn dịch gây viêm tự nhiên của cơ thể). Điều này dẫn đến một loạt các tổn thương cho da.

Mụn thường xuất hiện trên mặt và vai, nhưng cũng có thể xảy ra trên thân người, tay, chân, và mông. Mụn trứng cá có thể bị kích hoạt bởi những biến đổi nội tiết tố; căng thẳng; những sản phẩm chăm sóc da mặt, cơ thể, hay tóc chứa nhiều dầu; độ ẩm; việc bài tiết mồ hôi; và kích ứng da. Liệu pháp T làm tăng hoạt động của các tuyến bã nhờn, và vì vậy có thể tăng sự xuất hiện của mụn trứng cá. 
______________________________________________________

Tăng tiết bã nhờn

Tăng tiết bã nhờn, hay viêm da dầu, là tình trạng được đặc trưng bởi các vảy rơi, dầu hay khô, màu trắng tới vàng nhạt trên da, đôi khi kèm theo ửng đỏ. Nó có thể xảy ra ở da đầu, lông mày, mí mắt, mũi, môi, vùng sau tai, tai ngoài, và vùng da trên thân cơ thể, cụ thể là trên xương ức và dọc theo các nếp nhăn da. Tác dụng phụ này của việc dùng T có thể là tình trạng tạm thời hay lâu dài hơn mà có thể bùng phát do các yếu tố góp phần như là căng thẳng, mệt mỏi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, loại da dầu, gội đầu hay làm sạch da không thường xuyên, dùng các kem bôi có chứa cồn, các rối loạn da (như là mụn), hay béo phì.
______________________________________________________

Các tác dụng phụ khác

Sau đây là những tác dụng phụ tiềm ẩn khác của việc dùng T: buồn nôn, nhức đầu, lo âu, trầm cảm, hay dị cảm toàn thân (dị cảm là cảm giác tê).

Dị cảm (Paresthesia)

Dị cảm chỉ cảm giác nóng bỏng hay nhói đau bất thường mà hay cảm thấy ở bàn tay, cánh tay, hay chân, nhưng cũng có thể xảy ra trên bất kỳ phần cơ thể nào. Nhiều người mô tả cảm giác đó như là bị châm chích.
______________________________________________________

 C - CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE KHÁC KHI DÙNG TESTOSTERONE 

Nhiễm trùng men nấm và nhiễm khuẩn âm đạo 
(Yeast infections and bacterial vaginosis)

Những biến đổi nội tiết tố có thể gây ra những biến đổi trong môi trường âm đạo. Điều này có thể gây ra 2 loại viêm âm đạo thường gặp: nhiễm trùng men nấm và nhiễm khuẩn âm đạo. Để điều trị những loại nhiễm trùng này đúng cách, điều quan trọng là chẩn đoán đúng loại nhiễm trùng nào bạn có thể có bằng cách đi khám bác sỹ.

Nhiễm trùng nấm men gây ra bởi sự tăng trưởng quá mức của một loại nấm men tự nhiên, Candida albicans, trong âm đạo. Nếu có sự thay đổi trong môi trường âm đạo do biến động nội tiết tố, thương tổn, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, tăng độ pH, tăng nhiệt và độ ẩm, phản ứng dị ứng, nồng độ đường cao, hay sự sụt giảm số vi khuẩn thường có, men Candida albicans sẽ nhân lên rất nhanh và gây ra các triệu chứng của nhiễm trùng men nấm. Các triệu chứng bao gồm ngứa và/hoặc cảm giác nóng rát xung quanh hay bên trong âm đạo; chất nhầy trắng, đặc có thể giống như phô mai (chất nhầy cũng có thể lỏng hơn và hơi vàng nhạt hay trong suốt) và mùi tương tự như mùi bánh mỳ hay bia.

Cách điều trị nhiễm trùng men nấm có thể bao gồm từ việc sử dụng các thuốc không kê đơn hay có kê đơn như là Diflucan hay Monistat cho đến các phương pháp tự nhiên có thể tự thực hiện tại nhà như đổ sữa chua chưa tiệt trùng không vị vào âm đạo, uống nước ép nam việt quất không đường, hay tiêu thụ men acidophilus (một loại vi khuẩn có lợi sống trong ruột và âm đạo) bằng các loại thực phẩm chức năng hay thuốc có chứa acidophilus. Nên kiểm tra với bác sỹ của bạn nếu nhiễm trùng men nấm tiếp diễn. Các nhiễm trùng này có thể hay gặp hơn trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi hormone.

Nhiễm trùng men nấm không nên nhầm với nhiễm khuẩn âm đạo, một loại viêm âm đạo khác. Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra khi một số loại vi khuẩn nhất định (như là Gardnerella vaginalis, Bacteroides, Mobiluncus, and Mycoplasma hominis) đông hơn vi khuẩn Lactobacillus bình thường do sự thay đổi trong môi trường âm đạo. Triệu chứng chính của nhiễm khuẩn âm đạo là chất nhầy bất thường màu xám-trắng mà thường thì mùi như cá. Cũng có thể có ngứa và/hoặc cảm giác nóng rát quanh âm đạo.

Nhiễm khuẩn âm đạo thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nên kiểm tra với bác sỹ của bạn để được tư vấn nếu nhiễm khuẩn âm đạo vẫn tiếp diễn. Nhiễm khuẩn có thể hay gặp hơn trong giai đoạn đầu quá trình chuyển đổi hormone.

Tự khám ngực (để phát hiện ung thư vú)

Ngay cả khi bạn đã làm phẫu thuật ngực rồi, điều đúng đắn là tiếp tục tự khám ngực mỗi tháng, vì vài mô vú có thể bị sót lại sau phẫu thuật. Xin nhớ rằng ung thư vú thỉnh thoảng có xảy ra cả ở nam giới về mặt sinh học.

Sau đây là mô tả cách tự khám ngực. Tốt nhất là nên thực hiện mỗi tháng hay mỗi 2 tháng để làm quen với cảm giác của mô ngực, như vậy bạn có thể phát hiện tốt hơn các thay đổi hay bất thường.

Bắt đầu bằng việc nhìn vào ngực bạn trong gương với vai để thẳng và hay tay để lên hông. Tìm bất kỳ thay đổi bất thường nào vềkích thước, hình dáng, sưng phù, đau nhức, hay màu sắc. Lưu ý đến núm vú của bạn có phồng lên, thay đổi vị trí, hay bị ngược (lõm vào trong thay vì nhô ra ngoài).

Giơ tay lên cao quá đầu và tìm những thay đổi y như vậy.

Tiếp theo, bóp nhẹ từng núm vú giữa ngón trỏ và ngón cái và kiểm tra xem có bất kỳ dịch thải nào không.

Nằm xuống và kiểm tra vùng ngực, dùng tay phải để dò bên trái và dung tay trái để dò bên phải. Chạm dứt khoát, êm nhẹ bằng đầu các ngón tay, giữ các ngón tay phẳng và khép với nhau. Làm theo một khuôn mẫu để chắc chắn rằng bạn bao phủ hết vùng ngực. Bạn có thể bắt đầu từ núm vú, di chuyển theo hình vòng tròn càng ra càng lớn cho tới khi bạn đến mép ngoài của ngực. Chắc chắn rằng bạn cảm thấy mọi mô: ngay dưới da bằng cái chạm nhẹ và xuống sâu hơn bằng cái chạm mạnh hơn. Đừng quên vùng gần nách! Bạn đang tìm kiếm các thay đổi trong mật độ mô hay các khối u bất thường.

Cuối cùng, dò ngực của bạn trong khi đang đứng hay ngồi. Bạn có thể làm bước này trong khi tắm nếu muốn. Nhắc lại lần nữa, bạn đang tìm kiếm các thay đổi trong mật độ mô và các khối u bất thường.

Hội chứng đa nang buồng trứng và ung thư buồng trứng và mội mạc tử cung

Một số bác sỹ khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ tử cung (hysterectomy) và phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng (oophorectomy) trong vòng 5 năm đầu kể từ khi bắt đầu điều trị T. Nguyên nhân là vì có vài ý kiến lo ngại rằng việc điều trị T lâu dài có thể làm buồng trứng phát triển các triệu chứng tương tự như những triệu chứng tìm thấy ở hội chứng đa nang buồng trứng (polycystic ovarian syndrome [PCOS]). Hội chứng đa nang buồng trứng có liên quan đến tăng nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung (endometrial hyperplasia, tình trạng xảy ra khi lớp niêm mạc tử cung phát triển quá nhiều) và kết quả là ung thư nội mạc tử cung, cũng như ung thư buồng trứng.

Cần lưu ý rằng rất khó để biết có phải nguy cơ ung thư đó có bị tăng bởi liệu pháp T ở người chuyển giới nam hay không. Số lượng người chuyển giới từ nữ sang nam là không nhiều, và nhiều người đã làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung/buồng trứng từ khá sớm sau khi bắt đầu quá trình điều trị nội tiết tố. Do đó việc nghiên cứu ảnh hưởng lâu dài của T lên tử cung và buồng trứng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số người chuyển giới nam có thể bị hội chứng đa nang buồng trứng trước cả khi bắt đầu điều trị T, vì vậy khó có thể biết được những triệu chứng giống như của hội chứng đa nang buồng trứng bắt nguồn từ trước hay sau liệu pháp T.

Vì mối quan hệ giữa việc dùng hormone sinh dục nam lâu dài và sức khỏe phụ khoa vẫn chưa được hiểu hết, và vì nhiều người chuyển giới nam thường cảm thấy xấu hổ và / hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ sở y tế nhận khám phụ khoa cho người chuyển giới, một số người quyết định phẫu thuật như một biện pháp phòng ngừa bệnh. Hãy luôn thảo luận với bác sỹ của bạn về các nghiên cứu y học mới nhất và các ưu nhược điểm của các phương pháp này.

Nếu một người chuyển giới nam chọn không làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung / buồng trứng, anh ấy nên tiếp tục làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung định kỳ (để tầm soát ung thư tử cung) và nên tìm bác sỹ khám nếu anh có cảm thấy bất kỳ chảy máu âm đạo bất thường nào (kể cả ra nhỏ giọt - spotting), đau bụng hành kinh, hay đau nhức. Việc những người chuyển giới nam trước khi làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung cảm thấy có tích tụ mô nội mạc tử cung, nhất là trong những năm đầu làm liệu pháp T là khá phổ biến. Nội mạc tử cung thường bong ra trong kỳ kinh nguyệt, nhưng vì việc có kinh thường dừng sau vài tháng bắt đầu liệu pháp T, mô niêm mạc có thể tiếp tục tích tụ và có thể dần dần bắt đầu bong ra dưới dạng nhỏ giọt. Vì chảy máu bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư (mặc dù phần lớn không phải như vậy), những người chuyển giới nam có bị bất kỳ hiện tượng chảy máu gì cũng đều nên đi khám bác sỹ. Bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân việc ra máu nhỏ giọt. Những xét nghiệm này có thể bao gồm sinh thiết nội mạc tử cung và / hay siêu âm. 

Bác sỹ có thể khuyên dùng Progesterone, hormone nữ, trong một thời gian ngắn để giúp tử cung loại bỏ hết các mô nội mạc dư thừa. Việc này giống như tạo ra một kỳ hành kinh. Cho dù việc này có thể gây khó chịu, nên hiểu rằng đây là phương pháp phòng ngừa, vì tích tụ bất thường của mô nội mạc tử cung có liên quan tới ung thư nội mạc tử cung.

Chuyển hóa Testosterone dư thừa thành Estrogen

Trong những tháng đầu tiên của liệu pháp T, nhiều người chuyển giới nam cảm thấy mất kiên nhẫn chờ đợi những thay đổi chuyển hóa nam tính diễn ra. Một số có thể nghĩ đến việc tăng gấp đôi hay gấp ba liều lượng của họ, nghĩ rằng dùng càng nhiều thì thay đổi sẽ đến càng sớm. Tuy nhiên, tăng đáng kể liều T có thể lại làm chậm sự thay đổi của bạn. Điều này là vì T dư thừa trong cơ thể có thể bị chuyển hóa thành hormone nữ Estrogen, bởi một enzyme gọi là Aromatase. Chuyển hóa này là một phần của hệ thống phản hồi tự nhiên của cơ thể: Nếu có lượng dư thừa T trong cơ thể, nó sẽ bị Aromatase chuyển hóa. Nên kiên nhẫn, nếu bạn không thấy có kết quả trong một thời gian hợp lý, hãy nói chuyện thay đổi liều lượng với bác sỹ của bạn.

Các phản ứng dị ứng

Một số người có thể thấy rằng họ dị ứng với loại dầu trong dung dịch T dạng tiêm, hay họ có thể có phản ứng với các chất thẩm thấu qua da được dùng trong miếng dán T hay trong kem / gel T. Nếu bạn thấy như vậy thì bạn có thể cần thử phương pháp khác để hấp thu T, hay nhờ một tiệm thuốc có giấy phép điều chế thuốc tùy theo yêu cầu (compounding pharmacy) điều chế cho bạn T dùng loại dầu hay kem khác.

Chế độ ăn tốt cho tim và tập thể dục

Vì việc dùng T có thể tăng mức Cholesterol, huyết áp, và / hay số lượng hồng cầu, điều đúng đắn là thực hiện cách ăn tốt cho tim và tập thể dục đều đặn khi bắt đầu liệu pháp T (nếu bạn còn chưa làm điều này). Vì việc dùng T đôi khi làm tăng sự ngon miệng, một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa thêm mỡ cơ thể.

Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ đề nghị chế độ ăn và hướng dẫn tập thể dục được thiết kế để giữ mức Cholesterol, huyết áp, và cân nặng cơ thể trong phạm vi lành mạnh.

Các lựa chọn sinh sản: Ngân hàng trứng, hay bảo quản noãn bào đông lạnh

Liệu pháp T kéo dài thường (nhưng không phải luôn luôn) ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người chuyển giới nam. Trước khi bắt đầu điều trị T, người chuyển giới nam có thể chọn gửi trứng của họ vào ngân hàng để bảo toàn khả năng sinh sản về sau này. VD: Một người chuyển giới nam có thể gửi trứng của anh ta vào ngân hàng để sau này trứng được thụ tinh và cấy vào người vợ.

Đã có những trường hợp có những người chuyển giới nam ngưng điều trị T trong một khoảng thời gian để thụ thai và sinh con. Tuy nhiên, vì tác động chính xác của T lên khả năng sinh sản là rất khó dự đoán, tốt nhất là nên thảo luận và cân nhắc vấn đề khả năng sinh con thật kỹ với bác sỹ và lên kế hoạch phù hợp.

Ngân hàng trứng, hay “phương pháp bảo quản noãn bào đông lạnh” (oocyte cryopreservation), là một quy trình y khoa còn khá mới, cho phép trứng được thu thập và đông lạnh để sử dụng trong tương lai. Quy trình này không đơn giản. Nó khá mắc và đòi hỏi nhiều lần tiêm thuốc sinh sản (các hormone) trong vòng 3 tuần trước khi thu thập trứng. Nó cũng đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên các lần thử máu, cũng như các lần siêu âm âm đạo để đánh giá số lượng trứng sản xuất. Riêng việc lấy trứng sẽ được thực hiện với một tiểu phẫu.
______________________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

Đặc biệt chú ý 2 trang đầu tiên trong danh sách sau đây để có thông tin đáng tin cậy về sức khỏe dành cho người chuyển giới FTM:

Dr. Nick Gorton's site

Có thể tải về cuốn sách Medical Therapy and Health Maintenance for Transgender Men: A Guide For Health Care Providers, tác giả: R. Nick Gorton MD, Jamie Buth MD, và Dean Spade Esq. Đây là hướng dẫn chăm sóc đầy đủ nhất dành cho người chuyển giới FTM tính đến thời điểm hiện tại. Một tài liệu xuất sắc để cho bác sỹ của bạn xem.

Trans Care Project of Vancouver, British Colombia

Hoàn thành vào tháng 1/2006, Dự án Chăm sóc Trans (Trans Care Project) đã tạo một loạt các tài liệu và hướng dẫn thực hành cho các bác sỹ điều trị cho người chuyển giới, cũng như thông tin về sức khỏe dành cho người chuyển giới, FTM và MTF. Tài liệu của họ có thể tải về dưới dạng PDF, và bao gồm nhiều chủ đề đáng quan tâm của người chuyển giới và người cung cấp dịch vụ chăm sóc cho họ.

U.S. National Library of Medicine and National Institute's of Health Medline Encyclopedia

Lab Tests Online

Aspirus Medical Library & Patient Education

Medical Dictionary Online

U.S. National Library of Medicine and National Institute's of Health PubMed

Trans-Health

International Journal of Transgenderism

American Heart Association

Diseases Database

E-medicine.com

Health Central.com

Hepatitis Encyclopedia

National Women's Health Information Center

National Cancer Institute

American Cancer Society

The Ovarian Cancer National Alliance

National Cervical Cancer Coalition